Mỗi vận may đến là tiền lãi cho những tích lũy trước đó của bạn, còn vận rủi chính là sự trả giá cho quá khứ của bạn.
Nhà văn Zweig nói: “Tất cả những món quà từ số phận đều đã bí mật được gán cho một cái giá. Bạn phải đánh đổi hoặc bồi hoàn bằng một cách nào đó”.
Chúng ta luôn ghen tị với vận may của người khác và mong mỏi ngày được nữ thần may mắn ưu ái. Nhưng thực ra, may mắn không đến ngẫu nhiên, nó có chọn con người. Người thụ động, lười biếng, thiếu thực lực sẽ chỉ đánh mất vận may.
Sống ngoài 70 tuổi, tôi âm thầm quan sát, chiêm nghiệm và nhận ra rằng: 4 kiểu người sau đây thường dễ dàng được thần may mắn lựa chọn, gặp phúc báo vào những thời khắc không ngờ nhất.
Người lạc quan
Nhà văn Hiroshi Koike từng nói: “Hãy học cách sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ, nền tảng tư duy và cuộc sống của bạn sẽ theo đó mà thay đổi, cuộc đời bạn sẽ bắt đầu xoay chuyển”. Kinh nghiệm của chính ông đã chứng minh cho câu nói này.
Koike Hiroshi từng mở một cửa hàng quần áo nhưng vì không biết cách điều hành nên ông đã phải mang nợ một khoản nợ khổng lồ. Ở giai đoạn khó khăn, ông suốt ngày ở trong trạng thái phàn nàn, và tất cả những gì ông nói ra chỉ là những lời tiêu cực: “Làm ăn tệ quá”, “Tôi không thể làm được”, “Tôi không thể trả hết nợ”,…
Những lời này giống như thuốc độc, xói mòn niềm tin của ông và khiến ông cảm thấy bất lực trong việc thay đổi hiện trạng. Phải tới khi rơi vào bước đường cùng, ông mới cố gắng lấy lại sự tự tin bằng cách thay đổi câu thần chú của mình.
Đầu tiên, ông loại bỏ mọi ngôn ngữ tiêu cực, sau đó thầm nói “Tôi sẽ trả hết nợ trong mười năm và có được hạnh phúc” mỗi ngày, và cũng thường nói với bản thân những từ như “Cảm ơn” và “Tôi có khả năng”. Được truyền cảm hứng bởi những lời nói tích cực, ông dần trở nên có động lực hơn.
Ông cẩn thận phân tích lý do khiến doanh số bán hàng trong cửa hàng thấp, nghiên cứu kỹ sở thích và thói quen mua hàng của khách hàng, thay đổi phương thức nhập hàng và sắp xếp lại nội thất trong cửa hàng. Dần dần, công việc kinh doanh trong cửa hàng ngày càng tốt hơn.
Trong thời gian này, ông cũng nghiên cứu về tâm lý học, trở thành người cố vấn tinh thần cho người khác, tăng gấp đôi thu nhập của mình.
Kết quả, ông chỉ mất 9 năm để trả hết khoản nợ khổng lồ của mình.
Nhà tâm lý học Murphy cho rằng: “Tất cả chúng ta đều là những nhà tiên tri về số phận của chính mình”. Những lời nói tưởng như vô tình hoàn toàn có thể tác động đến hướng đi của cuộc đời chúng ta trong vô thức. Những người hay phàn nàn sẽ ngày càng trở nên tệ hơn, nhưng những người quen nói ra những tích cực luôn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc.
Bởi lẽ những gì một người thường nói thường bộc lộ cảm xúc thực sự bên trong của họ.
Nhà tâm lý học McGee cho rằng: “Những gì một người tin tưởng sẽ quyết định cuộc sống tương lai của người đó”. Rất nhiều khi, thứ đánh bại chúng ta không phải khó khăn mà chính là thái độ tiêu cực của chúng ta với thực trạng. Bỏ đi thói quen nói những lời phàn nàn, thay vào đó, động viên bản thân với những lời nói tích cực hơn, và may mắn sẽ tìm đến với bạn.
Người chú trọng cả những tiểu tiết
Triết gia người Anh Russell nói: “Số phận của một người thường được quyết định bởi những điều tưởng như rất nhỏ nhặt. Nó có vẻ không đáng để chúng ta lưu tâm, nhưng có thể lại là nền tảng làm thay đổi cuộc đời bạn”.
Tại công ty đấu giá nổi tiếng Christie’s có một nhân viên gác cửa tên là Jill.
Trong mắt nhiều người, nhân viên gác cửa chỉ có nhiệm vụ đóng mở cửa, không cần dùng đến trí óc và công việc của họ cũng hoàn toàn không cần tới chuyên môn.
Nhưng Jill lại không nghĩ vậy, anh luôn nghĩ đến việc làm thế nào để hoàn thành công việc của mình một cách hoàn hảo.
Nhận thấy những vị khách đến công ty đều là những người có tiếng, vậy nên, để khiến khách của mình cảm thấy được trân trọng, anh đã cắt ảnh và phần giới thiệu thông tin của tất cả những người đó ở trên báo sau đó dán chúng lên tường, cố gắng học thuộc lòng và ghi nhớ chúng mỗi ngày.
Vì vậy, bất cứ khi nào có khách đến công ty, Jill luôn có thể nhận ra ngay trong nháy mắt và chào đón họ một cách nồng nhiệt: “Xin chào bà Kennedy!” “Chào ông Andy!”…
Và điều này, trở thành quân át chủ bài của Jill.
Một lần, công ty muốn tổ chức một sự kiện lớn ở London và cần tìm một nhân viên lễ tân quen thuộc với tất cả các khách mời, và dĩ nhiên, ngoại trừ Jill, không ai trong công ty có đủ tiêu chuẩn.
Từ đó, mỗi khi công ty có sự kiện quan trọng, Jill đều được mời tham dự.
Danh tiếng của Christie’s ngày một trở nên tốt hơn, một phần tất nhiên cũng là nhờ có Jill.
35 năm sau, khi Jill nghỉ hưu, công ty đã tổ chức một bữa tiệc chia tay hoành tráng cho ông và thông báo rằng ông sẽ nghỉ hưu với tư cách phó chủ tịch công ty với những phúc lợi tương ứng.
Người ta thường nói: “Tích tiểu thành đại, chi tiết làm nên sự hoàn hảo”.
Trong cuộc sống, luôn có một số người tham vọng, muốn làm việc lớn nhưng lại coi thường những việc nhỏ nhặt trong tầm với. Vậy nhưng, mục tiêu dù cao cả đến đâu nếu không bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, nó sẽ luôn nằm ngoài tầm với, dẫu sao thì, hành trình vạn dặm cũng cần bắt đầu từ những bước chân đầu tiên.
Những người xuất sắc, họ để tâm tới cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Họ luôn có thể nghĩ đến những điều mà người khác không nghĩ tới và luôn có thể chú ý đến những chi tiết mà người khác bỏ qua.
Chỉ bằng cách chú ý đến chi tiết nhỏ trong công việc, bạn mới có thể không ngừng nâng cao kỹ năng của mình; chỉ bằng cách chú ý đến điều dù vụn vặt trong cuộc sống, bạn mới có thể để lại ấn tượng tốt với người khác.
Nếu bạn có thể đối đãi với những việc nhỏ nhặt bằng cả trái tim, may mắn sẽ tự nhiên đến với bạn.
Người theo chủ nghĩa lâu dài
Một tiến sỹ từng nói: “Nỗ lực của những người bình thường, dưới lãi kép của chủ nghĩa lâu dài, sẽ tích lũy thành kỳ tích”.
Một người dù bình thường đến đâu, chỉ cần chăm chỉ làm việc trong một lĩnh vực này nhiều năm, đều có thể trở thành bậc thầy.
Một nhà văn từng chia sẻ một câu chuyện về một người làm nghề lắp đặt. Một lần, nhà văn mua một chiếc giá treo quần áo và nhờ người này đến lắp đặt. Người thợ lắp đặt khéo léo đến mức lắp đặt những chiếc móc treo chỉ trong vài phút. Với cô, đây là một công việc phức tạp, vậy nên, vì ngưỡng mộ kỹ năng của người này, cô bắt đầu trò chuyện với anh. Người thợ cho biết, anh đã làm nghề này từ khi lên thành phố và tính đến nay đã 12 năm.
Có rất ít người có thể kiên trì trong lĩnh vực này, vì đây là ngành nghề không thể kiếm được nhiều tiền trong thời gian đầu, nên nhiều người thay đổi nghề nghiệp chỉ sau một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, người thợ tin rằng đây là một công việc cần tới kỹ năng, không cần tốn nhiều công sức, chỉ cần kiên trì và tích lũy thêm kinh nghiệm, nhất định sẽ kiếm được tiền. Trong những năm qua, anh đã đến vô số ngôi nhà để lắp đặt đồ, các môi trường khác nhau đòi hỏi các phương pháp lắp đặt khác nhau.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm, anh biết rõ mọi phương pháp lắp đặt. Điều này khiến anh đặc biệt nổi tiếng trong ngành, thu nhập của anh cũng tăng lên hàng năm. Hiện anh đã dùng số tiền kiếm được để mua một chiếc ô tô và một ngôi nhà.
Cuốn sách có tên “Sự hài lòng bị trì hoãn” viết: “Những người đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều là những người theo chủ nghĩa lâu dài, bởi họ dám đi vào cánh cửa hẹp và sẵn sàng bước trên con đường dài đằng đẵng”.
Trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng như hiện nay, không thiếu những người thiếu kiên nhẫn, chỉ cần gặp rắc rối nhỏ nhất, họ cũng sẽ bỏ cuộc.
Cố gắng làm mọi thứ một cách hời hợt sẽ chỉ dẫn đến kết quả không hoàn chỉnh.
Những người thực sự tài giỏi là những người có tầm nhìn dài hạn, không quan tâm đến những lợi ích và tổn thất tạm thời, và cũng sẽ không nản lòng trước những thất bại tạm thời.
Bởi họ biết rằng để đứng đầu trong bất kỳ ngành nào, họ cần đầu tư nhiều thời gian và sức lực, họ cần một quá trình tích lũy.
Trên con đường đã chọn, hãy cứ bình tĩnh và nỗ lực hết mình mỗi ngày. Khi đến thời điểm thích hợp, may mắn sẽ không mời mà đến.
Người có lòng biết ơn
Có một câu chuyện như vậy trong cuốn sách có tên “Sức mạnh của lòng biết ơn”. Carter là một thợ sửa chữa, do công việc kinh doanh của công ty trì trệ nên ông chủ đã đưa cho anh và một số đồng nghiệp một tờ thông báo sa thải. Đối mặt với việc bị sa thải không lý do, một số đồng nghiệp không thể kìm nén được sự phẫn uất.
Họ chạy đến mắng ông chủ, thậm chí đá tung cửa công ty khi rời đi. Ông chủ cảm thấy có lỗi và hiểu cảm giác của họ nên không tranh cãi. Tuy nhiên, trong số những người bị sa thải, chỉ có Carter không chạy tới mắng mỏ, ngạc nhiên, ông chủ quyết định đến gặp Carter. Ông chủ tìm thấy Carter trong xưởng, anh đang tập trung sửa chữa máy móc như thường lệ, hoàn toàn không giống như một người sắp mất việc.
Ông chủ tò mò hỏi anh: “Tôi sa thải anh, anh không trách tôi sao?”. Carter chân thành trả lời: “Không, không, không, ông chủ. Tôi luôn rất biết ơn ông. Lúc tôi khó khăn nhất, ông đã cho tôi một công việc tốt như vậy và giúp tôi vượt qua khó khăn. Quyết định hôm nay của ông cũng là vì cần thiết, ta rất hiểu tình huống của ông.”
Nói xong, Carter tiếp tục chăm chỉ làm việc.
Ba tháng sau, Carter, người đang tìm việc, nhận được cuộc gọi từ ông chủ cũ. Thì ra tình hình công ty đã được cải thiện nên ông chủ của anh đã mời anh tiếp tục quay lại làm việc, thậm chí còn tăng lương cho anh.
Trong khi đó, những đồng nghiệp đã bị sa thải cùng anh trước đây vẫn đang lo lắng tìm việc làm và hàng ngày vội vã tới những hội chợ tuyển dụng.
Jiacuo Rinpoche từng nói: “Đừng coi thường hay làm ngơ sự đóng góp của người khác. Nhận ân huệ từ người khác không phải là một đức tính tốt, đền đáp lòng tốt mới là đức tính mà ai cũng nên có.”
Làm người thì phải biết báo đáp lòng tốt của người khác.
Quy luật cơ bản nhất của cuộc sống vốn là có qua có lại, chỉ biết nhận lại mà không báo đáp, dần dần, bạn sẽ chỉ thấy mình rơi vào hoàn cảnh cô lập và bất lực.
Hành trình cuộc đời này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người bạn đồng hành, nhưng quý nhân thực sự lại chỉ có một số ít người.
Những người sẵn sàng giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn chính là ánh sáng soi đường cho cuộc đời chúng ta.
Chỉ khi báo đáp kịp thời, hơi ấm này mới có thể tiếp tục lan tỏa. Uống nước phải nhớ lấy nguồn, một người có tâm báo đáp người khác bao nhiêu, họ sẽ gặp bấy nhiêu may mắn trong cuộc đời.
Một nhà văn đã từng nói: “Không có may mắn nào là từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện xui xẻo mà không có lý do. Mỗi vận may đến là tiền lãi cho những tích lũy trước đó của bạn, còn vận rủi chính là sự trả giá cho quá khứ của bạn”.
Thật vậy, may mắn không đến tự nhiên, nó tới từ lời nói, việc làm và hành động của chúng ta.
Chỉ bằng cách thường xuyên nói những lời tích cực, bạn mới có thể trở nên tự tin và kiên định hơn.
Chỉ bằng cách chú ý đến những chi tiết dù là nhỏ nhất, bạn mới có thể đi trước một bước trong mọi việc.
Chỉ khi là người theo chủ nghĩa lâu dài, bạn mới có thể phát triển những kỹ năng xuất sắc.
Chỉ khi biết báo đáp lòng tốt, bạn mới có thể có lại được lòng tin của người khác.
Mong bạn luôn hướng về phía ánh mặt trời, mong may mắn sẽ tìm tới bạn, mong bạn trong lòng có hi vọng, trong tâm chứa đựng những vì sao.
Theo Diệu Đan (Đời Sống Pháp Luật)