Đó là một bệnh nhân nữ 28 tuổi, đi khám phát hiện chỉ số lọc cầu thận (GFR) rất thấp. Thậm chí chức năng thận chỉ tương đương với một người già 80 tuổi.
Cô gái 28 tuổi khiến bác sĩ sốc khi thận “già” như người 80
Gần đây, bác sĩ Hong Yongxiang (bác sĩ chuyên khoa thận tại Đài Loan, Trung Quốc) đã chia sẻ về ca bệnh gây ấn tượng mạnh cho mình trong chương trình “Doctor is Hot”.
Đó là một bệnh nhân nữ 28 tuổi, đi khám phát hiện chỉ số lọc cầu thận (GFR) rất thấp. Thậm chí chức năng thận chỉ tương đương với một người già 80 tuổi.
Bác sĩ Hong nói, bệnh nhân này không có bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, cũng không dùng bất kỳ loại thuốc Đông y hay thực phẩm chức năng nào. Cho đến một lần nói chuyện với bác sĩ, bệnh nhân nữ mới chia sẻ sự thật rằng bản thân đã uống thuốc lợi tiểu suốt nhiều năm để giảm cân.
Bệnh nhân cho biết, nhiều năm về trước cô được bạn mách cho cách uống thuốc lợi tiểu để giảm cân. Sau khi uống loại thuốc đó, 3 lít nước sẽ được bài tiết ra ngoài, kết quả là giảm liền 3kg. Thấy hiệu quả tốt nên bệnh nhân trên đã sử dụng suốt nhiều năm, khiến chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Hong Yongxiang, thuốc lợi tiểu sẽ gây mất nước, điện giải, pH trong cơ thể. Việc dùng quá mức loại thuốc này dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê. Bác sĩ nhấn mạnh, thuốc lợi tiểu là thuốc phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, chỉ dùng cho người bị suy tim, tăng huyết áp, phù bệnh lý.
Nếu muốn giảm cân, chị em nên đến các chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học, nhằm giảm cân mà không ảnh hưởng sức khỏe.
Với bệnh nhân nữ trên, bác sĩ Hong đã nhắc nhở cô không được dùng thuốc lợi tiểu và kê đơn thuốc bảo vệ thận. Sau 3 tháng, chức năng thận của người phụ nữ đã được cải thiện.
3 thói quen “tàn phá thận” mà người trẻ thường xuyên mắc phải
1. Nhịn tiểu quá lâu
Thận thích môi trường sạch sẽ, việc nhịn tiểu quá lâu sẽ gây hại cho thận.
Khi một người nhịn tiểu sẽ làm áp suất trong bàng quang tăng lên, gây ra hiện tượng nước tiểu chảy ngược lại niệu quản (ống nối giữa thận và bàng quang). Đồng thời làm tăng áp lực lên thận, làm tổn thương thận.
Ngoài việc đi tiểu đều đặn, mọi người còn cần uống nhiều nước để thận sản xuất đủ lượng nước tiểu, tăng cơ hội đào thải toàn bộ độc tố. Người bình thường nên uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
2. Ăn mặn
Chế độ ăn nhiều muối sẽ dẫn đến tình trạng tăng bài tiết protein qua nước tiểu, dễ gây giữ nước và natri, ảnh hưởng đến khả năng lọc của cầu thận. Thực phẩm quá mặn cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tăng căng thẳng cho thận.
Ngoài ra, chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nó cũng sẽ làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan.
3. Uống nhiều nước có gas
Giới trẻ thường thích đồ uống có gas nhưng đây là thức uống thực sự gây hại cho thận.
Trong nước có gas thường có chứa chất tạo màu, đường hóa học, các loại chất phụ gia, chất bảo quản… Còn thận lại là cơ quan bài tiết của cơ thể, thận giúp lọc ra những chất có hại trong cơ thể. Những chất này vào cơ thể gây tổn hại cho thận và tăng nguy cơ bị sỏi thận hoặc viêm đường tiết niệu.
Theo Đậu Đậu (Giadinh.suckhoedoisong.vn)