Hơn 10 năm lấy chồng, chưa năm nào tôi được về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Thấy bạn bè năm ăn Tết nhà nội, năm ăn Tết nhà ngoại mà tôi lại chạnh lòng.
Tôi còn nhớ như in năm đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng. Thời khắc đón giao thừa, tôi vội ra ngoài sân gọi điện cho bố mẹ đẻ. Lúc đó, nước mắt cứ thế trào ra, không sao ngăn lại. Cảm xúc ấy cũng dễ hiểu vì đó là năm đầu tiên con gái xa gia đình.
Sau cuộc điện thoại, tôi lại lén lau nước mắt, vào nhà chồng đón giao thừa cùng mọi người nhưng trong lòng nặng trĩu.
Bố mẹ đẻ tôi có mấy cô con gái, cô nào cũng lấy chồng xa, chẳng được về sum vầy bên gia đình. Tôi là con út, được ở với bố mẹ lâu hơn nên tình cảm càng gắn bó. Nghĩ cảnh bố mẹ cô đơn trong khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, lòng tôi thắt lại.
Tôi từng tự nhủ, sau này lấy chồng nhất định phải phân chia Tết nội, Tết ngoại nhưng rồi chẳng làm được.
Chồng tôi không phải con trưởng trong nhà, nhưng mẹ chồng lại không chấp nhận chuyện các con không ở nhà ăn Tết. Nên dù tôi có nói thế nào, chồng cũng kiếm lý do sợ mẹ để ngăn cản vợ.
Nhiều năm trôi qua, tôi dần quen với nếp sống nhà chồng, cũng hiểu tính cách mẹ chồng nhiều hơn. Có nhiều việc tôi cũng làm trái ý mẹ. Dù mẹ có giận, tôi cũng mặc kệ. Nghĩ đến chuyện 40 tuổi còn bị người khác quản lý cách sống, nói này nói kia, tôi thực sự không chịu được.
Khi con cái đã lớn, tôi nói với chồng, năm nay tôi nhất định về ăn Tết, đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Và dù chồng có đồng ý hay không thì tôi vẫn quyết định như vậy. Thấy vợ làm căng, chồng cũng không dám nói nhiều.
Bố mẹ già yếu, tôi cần dành thời gian cho gia đình mình. Hơn 10 năm rồi, tôi đã hy sinh, hết lòng vì gia đình chồng như thế là quá đủ.
Nhưng khi tôi vừa mở lời thì mẹ chồng đã gạt phắt đi: “Cô lấy chồng thì phải theo ý nhà chồng, sao cứ thích làm theo ý mình? Cô xem xóm này có đứa con dâu nào giao thừa, mùng 1 Tết không ở nhà chồng không?”.
Nghe mẹ nói, tôi cũng đáp trả: “Vậy mẹ cũng phải hỏi xem, bạn bè của con có phải năm nào cũng ăn Tết ở nhà chồng không chứ ạ? Với lại xã hội hiện đại rồi mẹ. Nhiều người còn đi du lịch, ăn Tết ở nước ngoài kia mẹ ơi. Mẹ không có con gái nên mẹ không hiểu được đâu ạ”.
Thấy tôi nói vậy, mẹ chồng có vẻ nóng mặt. Đúng lúc đó, bố chồng bước vào rồi bảo tôi cứ ngồi xuống nói chuyện.
Bố nhẹ giọng: “Năm nay, con đưa các cháu về ăn Tết với ông bà thông gia đi. Thằng T. (tên chồng tôi) cũng về với vợ con đi. Tầm mùng 2 các con lên thì nhà mình lại là Tết. Bố mẹ đã có anh chị và các cháu lớn rồi, các con không phải lo. Chúng nó ở gần đây, về lúc nào cũng được. Bố mẹ con ở xa, con tranh thủ về với ông bà một năm”.
Nói rồi bố quay ra nhìn mẹ chồng nhắc nhở: “Chẳng phải ngày xưa lấy tôi, bà cũng đòi về ăn Tết với bố mẹ đẻ suốt à?”.
Nghe bố nói vậy, tự nhiên tôi rơi nước mắt. Mẹ chồng cũng không nói gì nữa, chỉ biết nhìn bố chồng tỏ vẻ không hài lòng. Trong lòng tôi bỗng thấy kính trọng bố chồng vô cùng. Trước giờ bố ít can dự vào chuyện gia đình, không ngờ hôm nay bố lại ra mặt bảo vệ tôi.
Từ hôm đó, tôi rất yên tâm và vui vẻ. Tất nhiên, dù có về ăn Tết nhà ngoại thì tôi cũng chuẩn bị đủ đầy, sắm sửa đàng hoàng cho gia đình chồng. 10 năm nay, tôi vẫn luôn làm vậy dù chẳng phải dâu trưởng. Có lẽ chính vì sự chỉn chu của tôi nên bố chồng mới thấu hiểu nỗi niềm này.
Theo T.H (Hà Nội) (VietNamNet)