Vì sao uống bia 0 độ vẫn bị phạt nồng độ cồn?

Nhiều người truyền tai nhau cho rằng uống bia 0 độ thì sẽ không có nồng độ cồn và có thể lái xe mà không bị cảnh sát giao thông xử phạt. Điều này đúng hay sai?

Cuối năm, những cuộc liên hoan triền miên khiến nhiều người phải “đau đầu” mỗi khi tính phương án di chuyển.

Thời gian gần đây nhiều người truyền tai nhau có thể thoải mái uống bia không cồn, hay còn gọi là “bia chay”, không phải lo nồng độ cồn trong cơ thể.

Vì sao uống bia 0 độ vẫn bị phạt nồng độ cồn?
CSGT tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô và xe máy dịp cuối năm (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay có nhiều loại bia với nồng độ cồn khác nhau. Đa số bia chứa 5 – 8% nồng độ cồn, có loại cao hơn từ 8 – 15%.

Bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, là sản phẩm đã được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép.

Trên thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. Nhiều quốc gia có quy định nồng độ cồn trong bia khác nhau.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống có nồng độ cồn dưới 0,5% thì có thể xem là không cồn. Tại Đức cũng tương tự.

Trong khi đó, ở Italy, bia không cồn thực chất chứa nồng độ cồn tới 1,2%. Tại Anh, chai bia được dán nhãn “0 cồn” có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%.

Theo bác sĩ Hoàng, nếu sử dụng các loại bia trên nhãn ghi là 0 cồn, hơi thở người sử dụng vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Nếu tham gia giao thông, bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn bằng máy đo chuyên dụng vẫn có thể dương tính và vi phạm.

Vì vậy, khi sử dụng sản phẩm bia 0 độ vẫn cần thời gian để đảo thải hết nồng độ cồn trong máu và hơi thở mới được tham gia giao thông.

“Tốt nhất không nên uống bia dù là bia 0 độ”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyên.

Vì sao uống bia 0 độ vẫn bị phạt nồng độ cồn? - 1

Nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. (Ảnh minh hoạ)

Chuyên gia cũng cho biết, căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn.

Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất bằng 200ml bia, 75ml rượu vang (1 ly), 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Theo bác sĩ Hoàng, người trưởng thành có sức khoẻ bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.

Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 – 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 – 90% sẽ được xử lý qua gan.

Theo Thúy Ngà (Gia Đình Việt Nam)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *