Trong ảnh, một cậu bé mặc áo nỉ màu đỏ lặng lẽ bước đến trước cửa nhà, nhìn trái nhìn phải thấy xung quanh không có ai, quỳ xuống chắp tay cầu nguyện.
Khi cha mẹ cãi nhau, điều đau buồn nhất chính là bị con cái chứng kiến. Nhà giáo dục Maria Montessori từng nói rằng mọi việc chúng ta làm với trẻ đều sẽ đơm hoa kết trái, không chỉ ảnh hưởng mà còn quyết định cuộc đời của trẻ.
Khi cha mẹ cãi nhau, những gương mặt hung dữ còn đọng lại rất lâu trong tâm trí trẻ. Những lời nói tổn thương người lớn có thể quên đi nhưng lại in sâu vào lòng trẻ như một vết hằn, gây tổn hại về thể chất và tinh thần.
Mới đây, một người cha ở Trung Quốc chia sẻ rằng sau một trận cãi vã của cha mẹ, con trai anh bất lực đã quỳ xuống và lặng lẽ cầu nguyện trước cửa. Cảnh tượng này đã được anh ghi lại từ camera giám sát. Người cha cho biết hôm đó vợ chồng mình đã cãi nhau và âm thanh hơi lớn có thể khiến đứa trẻ sợ hãi.
Trong ảnh, một cậu bé mặc áo nỉ màu đỏ lặng lẽ bước đến trước cửa nhà, nhìn trái nhìn phải thấy xung quanh không có ai, quỳ xuống chắp tay cầu nguyện. Vừa lúc đó, em nghe thấy có người đi ngang qua, vội vàng đứng dậy. Sau khi họ đi khuất, lại quỳ xuống và tiếp tục.
Người cha kể rằng khi nhìn thấy cảnh tượng này, anh cảm thấy rất buồn và bật khóc.
“Tôi hối hận, tôi thực sự có lỗi với con. Trên thực tế, con tôi rất nhạy cảm và luôn cư xử tốt ở nhà. Nhưng cứ để con phải chịu tổn hại như vậy, chúng tôi đã sai. Vì lợi ích của con cái, tôi sẽ kiềm chế cảm xúc của mình và hạn chế cãi vã to tiếng, tạo bầu không khí gia đình tốt đẹp cho con”, anh nói.
Đối với trẻ em, một tình yêu đầy đủ quan trọng hơn một ngôi nhà có thành viên đầy đủ
Một số cư dân mạng cho rằng, bố mẹ thường xuyên cãi nhau khi mình còn nhỏ và hoàn toàn phớt lờ cảm xúc của con cái. Họ không chỉ gây ồn ào mà còn đánh nhau và ném đồ đạc. Sự việc này đã khiến tâm trí trẻ bị tổn thương nghiêm trọng, sau nhiều năm vẫn nằm mơ đều thấy những trận cãi vã, nhiều khi thức giấc giữa đêm và khóc. Bây giờ đã đến tuổi kết hôn, nhiều người trốn tránh vì nghĩ cuộc sống gia đình quá đáng sợ.
Cha mẹ thường xuyên cãi vã, khi con cái lớn lên, chúng có lòng tự trọng thấp và sẽ dùng mọi cách phục tùng người khác để được chấp thuận. Một khi điều gì đó không vui xảy ra, họ luôn thích đổ lỗi cho chính mình, tràn đầy năng lượng tiêu cực.
Có một câu hỏi: Kinh nghiệm khi sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên chiến tranh lạnh là gì? Câu trả lời là thấy thế giới dường như “sụp đổ”: “Mỗi ngày, thời điểm hạnh phúc nhất của tôi là cha mẹ đi làm để gia đình không có sự im lặng đáng sợ, không dám lên tiếng, không dám thở quá mạnh. Càng lớn lên, tôi càng sợ chuyện xây dựng gia đình, tôi không muốn con cái mình khi sinh ra cũng tổn thương như vậy”.
Một đứa trẻ lớn lên dưới sự “bạo lực lạnh” thật khó để “ấm lên” một lần nữa.
Nghiên cứu mới được công bố trên một tạp chí học thuật Hoa Kỳ cho thấy: Mặc dù xung đột giữa cha mẹ có thể có tác động tiêu cực vĩnh viễn đến trẻ, nhưng nếu có một thái độ xây dựng, có thể giúp củng cố cảm giác an toàn và cho phép trẻ học cách đối mặt với xung đột một cách thích hợp. Khi con cái thấy bố mẹ cùng thiện chí giải quyết các khúc mắc thì những ảnh hưởng tiêu cực trước đó có thể bị xóa bớt đi.
Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc của mình, vô tình để cho trẻ nhận ra mâu thuẫn giữa người lớn, cha mẹ nên cho con biết rằng đó không phải là lỗi của con. Và dù bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu của cha mẹ dành cho con sẽ không thay đổi.
Đừng để trẻ sống trong các mối quan hệ gia đình tiêu cực trong một thời gian dài. Hãy cố gắng tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Trong cuốn sách The Seven Principles for Making Marriage Work, tác giả John F. Gottman và Nan Silver nhấn mạnh rằng những đôi biết rèn trí thông minh cảm xúc và trân trọng các nhu cầu của mỗi người hơn việc thường xuyên bất đồng và chống lại nhau sẽ dễ truyền các kỹ năng này tới con cái của mình.
Sau tất cả, nên nhớ, đối với trẻ em, một tình yêu đầy đủ quan trọng hơn một ngôi nhà có thành viên đầy đủ.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Số)