Thủng ruột, rách gan, hỏng mắt… vì tự chế tạo pháo nổ

Hai thiếu niên 14 và 15 tuổi dùng máy xay sinh tố trộn hóa chất chế pháo, bị nổ gây tổn thương mắt, thủng ruột, rách gan, thủng đường thở.

Báo Dân Trí dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị 2 trường hợp trong vụ việc bị tai nạn pháo nổ rất thương tâm.

Các nạn nhân lần lượt là em G.B. (14 tuổi) và em N.H. (15 tuổi, cùng quê Đắk Lắk). Khai thác bệnh sử, trước đó 2 bé rủ nhau chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, dùng máy xay sinh tố trộn thuốc pháo.

Khoảng 21h ngày 8/1, khi các bé khởi động máy xay sinh tố thì nguyên liệu làm pháo phát nổ, khiến các mảnh thủy tinh trong chiếc máy vỡ ra và cắm vào khắp người.

Nghe tiếng nổ, người nhà chạy đến đưa 2 nạn nhân đi một bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng cấp cứu.

Vì tình trạng quá nặng, các nạn nhân sau khi được cấp cứu, xử lý tổn thương ban đầu, loại bỏ những mảnh thủy tinh cắm vào người đã tiếp tục được chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ xác định bé G.B. bị thủng nhãn cầu, có dị vật ở khắp các vị trí như mắt, khí quản, phổi, gan…

Bệnh nhi còn rách gan, thủng ruột, có vết thương phần mềm 2 tay, rách thành trước khí quản. Ekip ở khoa Cấp cứu đã tiến hành phẫu thuật khâu giác mạc, lấy dị vật ở các nơi trên cơ thể, khâu dạ dày, cắt lọc và khâu vết thương 2 tay cho bệnh nhi. Sau đó, bé được chuyển đến khoa ICU điều trị hồi sức.

Thủng ruột, rách gan, hỏng mắt... vì tự chế tạo pháo nổ
Một trong 2 trường hợp bị thương nặng sau tai nạn nổ pháo tự chế. Ảnh: AP/Dân Trí. 

Còn bé N.H. khi vào Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trong tình trạng thủng nhãn cầu, thủng ruột, rách gan, có nhiều dị vật ở mắt, màng phổi và trong gan… Bệnh nhi được phẫu thuật lấy các dị vật, khâu giác mạc, củng mạc ở mắt và lỗ thủng ruột, khâu phục hồi mạch máu tay phải, khâu cầm máu gan.

Tại khoa ICU, bệnh nhi đang tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch, sinh hiệu tạm ổn.

Bác sĩ Sơn chia sẻ, vì tình trạng của 2 trẻ phức tạp, bệnh viện phải huy động nhân viên y tế nhiều chuyên khoa, chia thành nhiều ekip xử lý từ loại bỏ các mảnh vỡ thủy tinh, khâu cầm máu đến việc vệ sinh, cắt lọc da hoại tử cho bệnh nhân. Các cuộc phẫu thuật kéo dài tổng cộng 10 giờ mới có thể giúp 2 trẻ bước đầu qua cơn nguy hiểm.

Cùng ngày, trao đổi với VnExpress, BS.CK2 Phạm Thái Sơn, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, cho biết hiện cả hai đã qua nguy kịch. Tuy nhiên, một trẻ vẫn còn tiên lượng nặng, khả năng thời gian tới phải thực hiện thêm các cuộc mổ khác. Sau này, bệnh nhi có khả năng chịu nhiều di chứng, mất nhiều chức năng cơ thể, khả năng các sang thương nhiễm trùng nặng.

Khoảng ba năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều trường hợp tai nạn do trẻ tự điều chế pháo tại nhà dịp Tết. Năm ngoái, bệnh viện tiếp nhận 7 trường hợp, trong đó 3 ca rất nặng. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi khám phá, ngày càng dễ dàng truy cập các thông tin hướng dẫn và đặt mua hóa chất trên mạng xã hội để thực hành theo.

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận thiếu niên 14 tuổi tự đặt mua hóa chất, chế tạo pháo theo video hướng dẫn trên mạng, gây nổ lớn, bỏng nặng vùng mặt và tay phải, để lại di chứng nặng, múc bỏ một mắt, phải đoạn chi do pháo làm nát tay.

Bác sĩ cảnh báo việc tự chế pháo là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ và người xung quanh. Gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác giáo dục, nhắc nhở trẻ liên tục, tránh những tai nạn gây ảnh hưởng nặng nề đến cả cuộc đời trẻ. Cần kiểm soát việc buôn bán chế tạo thuốc nổ trên thị trường.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *