Nhiều người thường tích trữ các món đồ không còn giá trị sử dụng trong nhà như một thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, đây thật ra lại là chứng rối loạn nguy hiểm.
Đồ vật không còn công năng thường dễ bỏ đi nhưng cảm xúc đi kèm với nó thì không. Không ít người có thói quen tích trữ đồ cũ từ quần áo cũ, tạp chí cũ, giấy gói thực phẩm, thậm chí còn đi xin những đồ không dùng của người khác mang về cất kỹ với tâm lý “lúc nào cần đến thì có cái mà xài”. Điều này dẫn đến tình trạng nơi sống của những người này trở nên bừa bộn, trở thành bãi rác trong mắt người khác.
Đối với nhiều người, đây là hành vi bình thường, tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại xem đó là một chứng bệnh gọi là hội chứng rối loạn tích trữ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp tích trữ đồ cũ là một rối loạn sức khỏe, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm lâm sàng. Tích trữ khác với sưu tầm, khi mọi người sở hữu những thứ để chiêm ngưỡng hoặc trưng bày chúng ngay cả khi chúng không còn giá trị sử dụng.
Nguyên nhân gây nên hội chứng rối loạn tích trữ
Theo tiến sĩ Charlene Chu, trợ lý giáo sư tại Đại học Chapman ở Orange, California (Mỹ), hội chứng rối loạn tích trữ xuất phát từ tâm lý sở hữu. Nói một cách đơn giản: Niềm vui khi đạt được một thứ gì đó ít hơn nhiều so với nỗi buồn khi mất nó. Điều này đúng trong nhiều vấn đề, dù là công việc, cuộc sống hay tình yêu.
“Các bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thể hiện tính đa cảm, trong đó sở hữu được coi là một phần của bản thân họ. Và việc họ tích trữ đồ vật được xem là một hành vi nhằm thỏa mãn tâm lý sở hữu, cũng như là cách để họ tìm thấy vị trí và bản thân mình”, tiến sĩ Chu chia sẻ.
Triệu chứng của hội chứng rối loạn tích trữ
Thông thường, các triệu chứng rối loạn tích trữ sẽ bắt đầu trong những năm đầu tuổi thiếu niên ở độ tuổi trung bình khởi phát là 13 tuổi.
Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể cảm thấy khó khăn hoặc căng thẳng khi phải vứt bỏ những món đồ mà người khác coi là vô giá trị hoặc ít giá trị. Do đó, họ lựa chọn tích trữ.
Ngoài việc tích trữ đồ cũ, những người mắc phải hội chứng này còn có tâm lý nghi ngờ người khác chạm vào đồ của mình, kiểm tra thùng rác để tìm những cái gì có thể giữ lại được trước khi bỏ rác, cảm thấy có trách nhiệm với đồ vật, và đôi khi nghĩ về những đồ vật vô tri vô giác như có cảm xúc.
Cũng vì thế mà những người mắc hội chứng rối loạn tích trữ thường bị đánh giá là những người: thiếu quyết đoán, vô tổ chức, mất tập trung, hay trì hoãn.
Làm gì để từ bỏ thói quen tích trữ đồ cũ?
Mặc dù rối loạn tích trữ ảnh hưởng đến 2 – 6% dân số nhưng nhiều người bệnh không tìm cách điều trị. Tiến sĩ Gregory Chasson, phó giáo sư tâm lý học lâm sàng công tác tại Viện Công nghệ Illinois ở Chicago (Mỹ), cho biết: “Không dễ để vượt qua cảm giác mâu thuẫn về việc giữ lại hay bỏ đi. Nghiên cứu khảo sát cho thấy có đến 85% bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thừa nhận họ cần được điều trị, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số họ kiên trì đến cùng”.
Vì vậy, để thay đổi thói quen tích trữ, điều quan trọng nhất là học cách suy nghĩ và hành động dứt khoát. Mỗi người cần biết điều gì quan trọng đối với mình và học cách sắp xếp mọi thứ theo thứ tự ưu tiên. Để làm được điều này, hãy lập một danh sách những món đồ “Không cần – Không muốn” để sử dụng như một lời nhắc cho bản thân khi đi mua sắm.
Sử dụng quy tắc “mua một món, bỏ đi 2 món” (one in, two out). Bất cứ khi nào mua 1 món đồ về nhà, hãy đảm bảo rằng có khoảng 2 món đồ đã có thể bỏ đi, hoặc quyên góp cho người khác.
Khi phân vân không biết có nên giữ lại một món đồ, nhất là khi bản thân có một mối ràng buộc tình cảm với món đồ đó, hãy nhờ người khác giúp đánh giá.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)