Tôi uất nghẹn khi đọc những lời nhắn của chồng.
Ai trong hoàn cảnh “an cư lập nghiệp” ở xa gia đình nội ngoại như tôi thì chắc cũng sẽ hiểu, mỗi dịp lễ tết đến là lại đau đầu nhức óc vì không biết phải lựa chọn đưa con cháu về ăn Tết cùng ông bà nội hay ông bà ngoại. Nếu về nội thì lại sợ ngoại buồn, về ngoại thì sợ phật lòng bên nội.
Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm là đã ra ở riêng, xây nhà trong thành phố để tiện cho công việc và học tập của các con. Hai bên gia đình nội ngoại đều sống ở quê, khoảng cách lại khá xa nhau. Thế nên mỗi lần muốn đưa con về thăm ông bà, vợ chồng tôi chỉ có thể lựa chọn một trong hai, hoặc là về phía Đông, hoặc là về phía Tây. Phải chi nội ngoại đều cùng hướng thì mọi chuyện đã dễ dàng quyết định hơn, vì có thể sẽ tiện đường.
Chỉ còn vài ngày nữa là vợ chồng và các con được nghỉ Tết dương lịch. Tết là dịp đoàn viên nên dù không được nghỉ nhiều như Tết âm thì năm nào nhà tôi cũng cố gắng sắp xếp ổn thoả để về quê chơi. Năm nay lịch nghỉ Tết dương lại rơi vào đúng những ngày cuối tuần nên ai cũng sẽ có một kỳ nghỉ dài hơn. Điều này cũng tiện để vợ chồng tôi đưa các con về thăm ông bà và thư thả ở lại thêm vài ngày.
Tối hôm qua trong bữa cơm tối, tôi bắt đầu bàn tính chuyện với chồng. Dĩ nhiên là con gái ở xa, tâm lý nhiều bà mẹ cũng sẽ giống tôi, muốn đưa cháu về quê ngoại mỗi dịp lễ. Thế là tôi mở lời với ông xã rằng nghỉ Tết dương này cả gia đình cùng về quê thăm ông bà ngoại. Tuy nhiên chồng tôi giữ im lặng chưa có câu trả lời. Chắc anh cũng cần suy tính kỹ càng nên tôi cũng không vội hối mà để anh cân nhắc.
Về phía 2 đứa nhóc nhà tôi, tôi luôn tôn trọng mong muốn của các con nên cũng đã hỏi về việc này, thế nhưng tụi nhỏ lại không thống nhất trong lựa chọn là sẽ nghỉ lễ cùng ông bà nội hay ông bà ngoại. Con gái tôi thì thích về ngoại, còn con trai thì thích về nội. Mỗi người một ý kiến khiến cho việc đưa ra quyết định càng khó khăn hơn.
Sang ngày hôm sau trong lúc đang ở trên công ty, điều tôi không bao giờ nghĩ đến là chồng tôi lại bất ngờ chuyển vào tài khoản của tôi 20 triệu kèm với lời nhắn. Đọc những lời này, tôi uất nghẹn ở cổ vì không ngờ chồng tôi lại có suy nghĩ như vậy về vợ. Anh viết:
– Anh quyết định rồi, nghỉ Tết dương cả nhà mình sẽ về quê chơi với ông bà nội. Chúng ta ở xa nên mấy năm nay em cũng không có cơ hội được làm tròn bổn phận của con dâu. Thế nên phải Đạo thì em cần đưa các con về để không phật lòng bố mẹ chồng. Em đã là người có gia đình, làm dâu rồi nên đừng hở tí là muốn về nhà bố mẹ đẻ. Anh gửi em chút tiền mua quà cho ông bà ngoại tụi nhỏ, coi như quà về thay người vậy!
Vả lại Tít nhà mình còn là cháu trai đích tôn, thằng bé cũng nên có mặt trong các dịp lễ quan trọng của gia đình. Lâu rồi tụi nhỏ không về thăm ông bà nội, đây là dịp thích hợp để các con gắn kết với ông bà, gần gũi với ông bà hơn thì mới có thể gia tăng tình cảm được.
Mặc dù tôi đồng ý với quan điểm sau của chồng, nhưng nếu nói như anh thì ông bà ngoại không cần phải gắn kết, không cần gia tăng tình cảm với các cháu sao. Còn nếu nói về bổn phận làm dâu, tôi tự tin từ trước đến nay chưa bao giờ khiến bố mẹ hai bên phải phiền lòng, ấy vậy mà chồng lại nghĩ tôi như thế.
Giờ tôi thực sự không biết phải giải quyết ra sao, có lẽ gia đình nên có một cuộc họp để cùng thống nhất. Tuy bố mẹ là người quyết định cuối cùng, nhưng dĩ nhiên vợ chồng tôi sẽ để các con được bày tỏ suy nghĩ và lựa chọn của mình. Đó là câu chuyện muôn thuở mỗi dịp lễ Tết của nhà tôi, còn nhà mọi người như thế nào? Các bố mẹ đã chọn sẽ đưa con về quê nội hay quê ngoại chưa?
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trong gia đình, việc cho con trẻ tham gia vào các quyết định chung mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trẻ sẽ học cách suy nghĩ logic, đánh giá các lựa chọn và đưa ra quyết định thông qua việc tham gia vào các cuộc thảo luận gia đình. Điều này không chỉ giúp con học được cách đưa ra quyết định tốt, mà còn phát triển kỹ năng lập luận và tư duy sáng tạo.
Đồng thời, việc tham gia vào quyết định gia đình giúp trẻ xây dựng lòng tự tin và sự tự chủ. Khi trẻ được nghe và có quyền phát biểu ý kiến, trẻ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị và được tôn trọng quyền tự quyết định về cuộc sống của mình. Từ đó, tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng tự lập, và tự tin trong việc đối mặt với các thách thức trong cuộc sống.
Tham gia vào các quyết định gia đình cũng giúp trẻ hiểu về giá trị và trách nhiệm. Trẻ học được tính tôn trọng, trung thực và lòng nhân ái. Những giá trị này được thể hiện thông qua việc lắng nghe ý kiến của nhau, và đưa ra quyết định dựa trên lợi ích chung của gia đình.
Hơn nữa, việc cho con cái tham gia vào quyết định gia đình tạo cảm giác gần gũi, liên kết mạnh mẽ giữa các thành viên với nhau, đặc biệt là giữa bố mẹ và trẻ. Khi trẻ được lắng nghe và thấy rằng ý kiến của mình quan trọng, con sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng của bố mẹ dành cho mình. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường gia đình ấm cúng, đoàn kết mà còn thúc đẩy sự gắn bó và gia tăng tình cảm trong gia đình.
Tuy nhiên, có một điều mà bố mẹ cần đảm bảo rằng, mức độ tham gia của con trẻ được cân nhắc phù hợp với độ tuổi và khả năng của con. Quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và sự hỗ trợ, bảo vệ của bố mẹ để đảm bảo an toàn cho quá trình phát triển toàn diện của con trẻ.
Theo Trang Tri (Phụ Nữ & Pháp Luật)