Lúc về già, nếu ở chung với các con, đặc biệt là con trai, các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ bí quyết “3 không”.
Theo quan niệm của nhiều gia đình Á Đông, cha mẹ nuôi con cả đời. Khi cha mẹ về già, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng.
Thời gian đầu, con cái có thể thường xuyên về nhà thăm nom, chu cấp tiền bạc cho cha mẹ. Khi cha mẹ không thể sống một mình được nữa, phần lớn người già sẽ chọn sống cùng con trai để được chăm sóc tốt hơn.
Tuy nhiên, việc 2 thế hệ ở chung với nhau khó tránh khỏi xích mích, xung đột trong sinh hoạt hằng ngày.
Khi không tìm được tiếng nói chung, nhiều lời nói và hành động có thể làm tổn thương cho cả 2 bên. Dưới đây là 3 điều cha mẹ cần “nói không” để nhà cửa luôn được êm ấm.
1. Không can thiệp vào quan hệ vợ chồng của con trai
Dù con có bao nhiêu tuổi, cha mẹ vẫn cứ nghĩ con mình còn bé, cần có người chăm sóc. Đặc biệt là với con trai, họ luôn mong con dâu có thể chăm sóc tốt nhất cho chồng con.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, quan hệ vợ chồng đã khác xưa nhiều. Người trẻ ngày nay chú trọng tới sự bình đẳng nam nữ, 2 bên cần quan tâm lẫn nhau. Ban ngày bận rộn công việc, khi đi làm về họ cùng nhau chia sẻ việc nhà, tất cả vì gia đình.
Tuy nhiên, những bậc cha mẹ có quan niệm truyền thống không hiểu được điều này. Khi thấy con trai phải làm việc nhà, thậm chí phải chăm sóc con dâu, họ thường tỏ ra không vừa ý.
Họ không hiểu tại sao đứa con trai mà họ đã dày công dạy dỗ, được cưng chiều từ nhỏ lại phải chịu sự bất công này. Điều đó khiến cha mẹ chồng không thích con dâu, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của vợ chồng trẻ.
Quan hệ giữa hai bên từ đó trở nên căng thẳng.
2. Không can thiệp vào việc dạy dỗ con cái
Ông bà thường rất yêu thương các cháu, chỉ cần đứa trẻ có yêu cầu gì, họ sẽ cố gắng đáp ứng. Mặc dù cha mẹ có thể không chăm sóc con cái tỉ mỉ bằng ông bà, nhưng họ vẫn có thể làm tốt nếu chịu khó học hỏi. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa việc chăm sóc và dạy dỗ của hai thế hệ.
Sự nuông chiều của ông bà có thể khiến trẻ em trở nên bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ dạy dỗ. Trong suy nghĩ của chúng, dù mình có làm gì sai cũng sẽ được ông bà che chở.
Hãy tưởng tượng rằng, bạn đang trừng phạt nghiêm khắc con mình vì một số hành vi quá đáng nhưng ông bà lại cố gắng hết sức để bảo vệ cháu mình.
Trẻ con chưa phân biệt được đúng sai. Chúng luôn nghĩ ông bà là người đối xử tốt nhất với mình, muốn được gần gũi với ông bà thay vì cha mẹ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Vì vậy, nếu ông bà thực sự muốn tốt cho cháu mình, tốt nhất không nên can thiệp vào vấn đề dạy dỗ của cha mẹ chúng.
3. Không can thiệp vào thói quen hằng ngày
Dù con cái đã lớn, bản thân một số người đã bước vào tuổi già nhưng vẫn có một số thói quen không thay đổi. Điều này khiến cho trong quá trình sống chung, ông bà can thiệp quá mức vào cuộc sống sinh hoạt của con mình, gây ra nhiều mâu thuẫn.
Do sống ở 2 thời đại khác nhau, người già có thể giữ lại một số hành vi có vẻ hơi cổ hủ đối với người trẻ. Họ có thể không chú ý đến chúng trong những tình huống thông thường nhưng lại rất coi trọng và sẽ yêu cầu con cái thực hiện theo. Lúc này, mâu thuẫn giữa 2 bên sẽ nổ ra.
Trên thực tế, người già và con cái có 2 lối sống khác biệt nhau, muốn chung sống trong hòa bình, cách tốt nhất là nên có sự tôn trọng và thấu hiểu.
Khi con cái đã lớn và có cuộc sống riêng, người già không nên can thiệp nhiều, kiểm soát quá mức. Người già chỉ cần quan tâm đến cuộc sống của chính mình, sống thoải mái, vui vẻ. Người già nên học cách “đứng ngoài”, không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của các con.
Theo Phan Hằng (VietNamNet)