Hãy xem việc ăn Tết như một cơ hội để mẹ chồng thấu hiểu nhau hơn bằng cách thoải mái chuyện trò, bàn bạc với nhau, biết đâu nó sẽ là chìa khóa mở ra những điều bất ngờ mà bạn chưa nghĩ đến.
01
Năm nay là năm đầu tiên My ăn Tết ở nhà chồng. Cô và Hải kết hôn đầu năm 2023 và không sống chung với bố mẹ chồng.
Bố mẹ chồng cô rất tâm lý, tôn trọng ý kiến của hai con. Đôi khi chồng cô còn có quan điểm không “chuẩn” bằng bố mẹ. Bởi vậy ngay từ đầu khi về ra mắt, gặp bố mẹ chồng, cô càng thêm điểm cho Hải và chắc chắn về chuyện kết hôn.
Nói thì nói vậy nhưng My cũng sợ chuyện ăn Tết năm đầu ở nhà chồng. Cô là dâu mới, chắc chắn có nhiều chuyện đến tay. Hơn nữa nghe theo lời của các chị đồng nghiệp cùng công ty, Tết nhất phụ nữ vô cùng mệt mỏi khiến My lại càng sợ hãi.
Cô cũng thường đọc báo chí, vào các hội nhóm để xem bí quyết mua quà Tết, bí quyết cắm hoa và thậm chí chuyện bày mâm cỗ thế nào cũng được nghiên cứu kỹ càng.
Gia đình chồng cách nhà My gần 500km. Bởi vậy, cô cũng muốn tính toán chuyện về nhà ngoại ăn Tết hôm nào. Năm đầu không đón Giao Thừa cùng bố mẹ, My cũng rất tâm tư. Nhưng cô đã đi lấy chồng, đã làm dâu, các chị cùng công ty liên tục bảo với cô phải biết cách cư xử vào Tết nhất bởi không chỉ bố mẹ chồng mà anh em họ hàng nhà chồng cũng nhìn vào nữa. Bởi vậy My rất băn khoăn.
Cô hỏi chồng, anh cứ bảo cô thích hôm nào thì chốt về hôm đó. Tuy nhiên với My, cô không muốn mới năm đầu về làm dâu đã gây nên xích mích trong nhà vì điều này nên lần lữa mãi. Kể cả khi mẹ cô hỏi đến, My cũng chưa biết trả lời sao bởi phận làm dâu năm đầu ăn Tết nhà chồng, tính thế nào cũng chưa thấy ổn.
02
Cách hơn 1 tháng nữa đến Tết, My vẫn chưa trả lời được câu hỏi bao giờ về ngoại ăn Tết khi mẹ cô hỏi.
Bản thân cô biết rằng bố mẹ chồng cũng dễ tính nhưng theo các chị cùng công ty, chồng một nhẽ, bố mẹ chồng một nhẽ nhưng họ hàng nhà chồng lại là vấn đề khác nữa. Nếu như không khéo léo thì rất có thể cô sẽ bị mang tiếng xấu, sau khó sống ở nhà chồng.
Cách đây vài hôm, gia đình bà nội chồng có tiệc. Trong bữa cơm, mọi người lại hỏi đến chuyện ăn Tết và kế hoạch Tết. Khi hỏi My bao giờ về nhà ngoại, cô rụt rè nói rằng khoảng sáng mùng 3 hai vợ chồng sẽ lên xe để về đón Tết cùng bố mẹ cô.
Cô vừa nói xong, mẹ chồng đáp: “Mùng 3 thì còn gì là Tết nữa hả con. Bố mẹ đã tính rồi, sáng mùng 2 gia đình mình cùng sang chúc Tết ông bà thông gia, tiện thể coi như đi du lịch. Năm đầu đi lấy chồng mà mùng 3 mới về nhà mình thì còn đâu Tết mà ăn nữa”.
My còn chưa nói gì, cô chồng đã bắt đầu ý kiến cho rằng năm đầu ăn Tết nhà chồng thì phải đi chúc Tết họ hàng. Sáng mùng 2 đã như thế thì không hợp lý. Mẹ chồng My bênh vực luôn: “Hợp lý hay không thì bố mẹ chồng nó đánh giá là được cô ạ. Cô lấy chồng cách 3 bước chân, ngày qua chơi 2 lần thì thấy bất bình thường. Bây giờ cái My nhà chị nó lấy chồng xa, không ăn Tết với bố mẹ được nó cũng tủi thân. Cứ nhìn chị đây là biết, lấy cách có gần 100km mà về quê mẹ thấy xa xôi cách trở, đến khi bố mẹ mất thì Tết chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Ngày xưa tàu xe không tiện phải chịu, giờ tiện rồi thì mình làm thế nào cho con cái vui vẻ là mình làm. Rút kinh nghiệm từ chị, chị chẳng muốn ai tủi thân trong dịp Tết cả nên từ giờ trở đi cứ sáng mùng 2 vợ chồng nó về ngoại. Các năm sau ăn Tết xen kẽ nội ngoại cũng được không sao, nội ngoại quan trọng như nhau”.
Nghe mẹ chồng bảo vệ mình như thế, My chợt thấy vui trong lòng. Sau khi mọi người về nhà, mẹ chồng mới nói rằng Hải đã nói từ trước chuyện cô băn khoăn chuyện ăn Tết và đón Tết, chuyện về ngoại như thế nào. Mẹ chồng cũng từng là con dâu, có vấn đề gì cần nói ra, cứ giữ mãi trong lòng thì mới khó giải quyết.
03
Trong cuộc sống, nhiều người luôn có ý kiến cho rằng mẹ chồng và con dâu rất khó để có cùng tiếng nói. Cũng vì chính quan điểm này khiến cho đôi khi nàng dâu tự mình tách biệt so với nhà chồng, chẳng biết phải lên tiếng để bày tỏ quan điểm, nỗi lòng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hôn nhân.
Mỗi dịp cuối năm, bất cứ ai cũng lăn tăn về chuyện đón Tết thế nào, ăn Tết ra sao. Chỉ vì những rụt rè mà nhiều nàng dâu tự tạo áp lực cho bản thân, tự cảm thấy sợ Tết, không muốn Tết đến bởi sao khi đi làm dâu, Tết khác với ngày xưa quá. Đơn giản như việc ngày nào về nhà ngoại ăn Tết họ cũng không dám nói ra lời vì sợ bị phản đúng, bị cho là cư xử sai. Lỗi này nhiều nàng dâu mới hay gặp phải.
Bài học lớn ở đây là cần phải thẳng thắn bày tỏ tất cả mọi chuyện. Dù sao thì cũng cần có sự khởi đầu cho một nếp sống mới. Nếu được, hãy thoải mái tâm sự trước với mẹ chồng. Trước khi là mẹ chồng, họ cũng là con dâu, họ cũng có nhà bố mẹ đẻ để chờ về đón Tết. Biết đâu, một lời như cởi tấm lòng, đó chính là “chìa khóa” giúp hành trình làm dâu của những cô con dâu trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Hãy xem việc ăn Tết như một cơ hội để mẹ chồng thấu hiểu nhau hơn bằng cách thoải mái chuyện trò, bàn bạc với nhau. Biết đâu dần dần bạn sẽ thấy Tết yêu phết vì những kế hoạch đặc biệt chưa từng nghĩ đến.
Theo An Thanh (Phụ Nữ Số)