Một sai lầm phổ biến khi ăn kiêng có thể khiến nhiều người vất vả vì “tác dụng ngược”
Phân tích trong bài viết trên chuyên san khoa học The Conversation, TS Christopher Gaffney từ Đại học Lancaster (Anh) cảnh báo kiểu ăn kiêng cắt giảm lượng calo tiêu thụ hằng ngày xuống chỉ còn 800-1.200 đang “hot” nhờ sự quảng bá của những người nổi tiếng có thể gây tác dụng ngược.
Trong một nghiên cứu trên 278 người trưởng thành mắc bệnh béo phì, chế độ ăn kiêng cấp tốc trong 12 tuần với 810 calo mỗi ngày thực sự giúp họ giảm cân và mang đến vài lợi ích.
Mức giảm cân cũng ấn tượng hơn hẳn. Họ giảm 11 kg, trong khi những người chỉ giảm một chút calo bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn chỉ giảm được 3 kg trong thời gian như nhau.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy một thời gian ăn kiêng ngặt nghèo có thể có lợi cho người tiểu đường type 2, với 60% những người ăn 600 calo/ngày thuyên giảm được bệnh. Họ cũng giảm khoảng 15 kg sau 8 tuần ăn kiêng.
Tuy vậy, một vấn đề khác đã xảy ra: Chỉ sau 12 tuần theo dõi kể từ khi kết thúc ăn kiêng, những người tham gia đã tăng lại 3 kg, lượng đường huyết trở lại mức cao khi chưa ăn kiêng.
Chưa kể các phân tích sâu hơn cho thấy đà tăng cân lại vẫn sẽ tiếp tục và càng khó kiểm soát, bởi hệ thống trao đổi chất đã bị phá hoại.
“Với kiểu ăn kiêng cấp tốc, việc tiêu thụ thực phẩm ít hơn bình thường, có nghĩa là cơ thể không cần đốt nhiều calo để tiêu hóa và hấp thụ thực phẩm. Cơ thể cũng bị mất cơ bắp” – TS Gaffney giải thích.
Ngoài ra, trao đổi chất là một sự tổng hợp các phản ứng hóa học cực kỳ phức tạp trong cơ thể, bao gồm các phản ứng chịu trách nhiệm chuyển đổi thức ăn và cơ chế lưu trữ năng lượng dư thừa dưới dạng chất béo.
Ăn kiêng cấp tốc tác động tới tất cả các quá trình nói trên, khiến hệ thống trao đổi chất hoạt động kém đi.
Chưa kể sự mệt mỏi vì thiếu năng lượng sẽ dẫn đến thói quen ít vận động, thậm chí là không thể tập thể dục với lượng nạp calo quá ít ỏi.
Với một hệ thống bị phá hoại và những thói quen xấu, ngay khi kết thúc giai đoạn ăn kiêng, dù bạn chỉ nạp số calo giới hạn như những người bình thường nạp chứ không ăn quá nhiều, cơ thể vẫn dễ tăng cân, tích mỡ trở lại như bình thường.
Các cơ chế này cũng giải thích việc nhiều người sau khi ăn kiêng nhận thấy mình dường như dễ mập hơn trước với cùng một lượng đồ ăn.
Vì vậy, TS Gaffney khuyến cáo tốt nhất vẫn là ăn kiêng dần dần. Tuy giảm cân chậm, nhưng là sự giảm cân bền vững. Không quá thiếu năng lượng, bạn vẫn đủ sức tập thể dục và không trở nên lười biếng.
Ăn kiêng dần dần giúp bảo vệ chức năng ti thể – nguồn năng lượng đốt cháy calo trong cơ bắp chúng ta. Điều này giúp duy trì khả năng đốt cháy calo mạnh mẽ ngay cả khi bạn kết thúc giai đoạn ăn kiêng.
Chế độ ăn kiêng lý tưởng được khuyến nghị là chế độ giúp giảm từ 0,5 đến 1 kg mỗi tuần, với sự kết hợp giữa thể dục và các thực phẩm giúp duy trì sự trao đổi chất mạnh mẽ.
Ví dụ, chế độ ăn giàu protein ở mức hợp lý là khoảng 30% tổng calo trong ngày sẽ giúp tăng mức trao đổi chất lên 11-14% so với bình thường.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)