Con gái đi xét nghiệm ADN để chứng minh sự ‘phản bội’ của bố: Biết sự thật ai cũng khóc

Phía sau những cuộc xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống là rất nhiều câu chuyện buồn, nhưng cũng không thiếu đi những câu chuyện đầy xúc động.

Một kỷ niệm từ rất lâu mà bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội vẫn còn nhớ mãi, đó là câu chuyện của người phụ nữ tên Hương*. Hương chia sẻ cô được nhận nuôi từ khi mới lọt lòng. Nhưng trước lúc mất, bố nuôi của Hương mới thú nhận với cả nhà: Hương chính là con đẻ của ông.

Qua lời bố kể, Hương mới biết mẹ đẻ của cô tên là Phương – một nữ y tá của trạm quân y, còn bố cô bị thương nên được đưa về trạm điều trị. Y tá Phương chăm sóc mọi người rất chu đáo nên ai cũng quý mến.

Trong một lần địch thả bom vào trạm quân y, vì lấy thân mình che chở cho bố Hương nên y tá Phương đã bị thương. Tuy tính mạng có thể giữ, nhưng sau đó bà phải cắt cụt một chân. Bố Hương luôn cảm thấy mắc nợ y tá Phương nên đã xin địa chỉ của bà. Ông nói sẽ quay về tìm bà khi chiến tranh kết thúc. 

Rồi ngày ấy cũng tới. Khi nhìn thấy người đồng đội đã từng cứu mình phải mang nạng gỗ ra đón, lòng ông đau nhói. Họ gặp lại nhau trong sự vui mừng khôn tả. Ông cũng xót thương cho gia cảnh của y tá Phương khi thấy bà chỉ còn mẹ già, 2 mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. 

Tối hôm đó, bố Hương mất ngủ. Ông ngồi châm thuốc lên hút, không ngờ y tá Phương đã đến ngồi cạnh từ lúc nào.

Con gái đi xét nghiệm ADN để chứng minh sự 'phản bội' của bố: Biết sự thật ai cũng khóc
Xét nghiệm ADN (Ảnh minh hoạ)

Hai người ngồi ôn lại những kỷ niệm tại chiến trường, về đồng đội, về những trận thắng… Khi nhắc về tương lai, y tá Phương im lặng. 

Sau một hồi lâu, bà chia sẻ với bố Hương rằng đã quen với cuộc sống hiện tại và không thể xây dựng gia đình. Bà cho rằng không ai muốn lấy một người khuyết tật như bà, nhưng bà khao khát được làm mẹ. Bà mong bố Hương có thể giúp bà thực hiện tâm nguyện này. 

Sững sờ trước lời đề nghị của người đồng đội cũ, rồi cũng mủi lòng thương người đã cứu mình, bố Hương đã phản bội người vợ ở quê nhà.

Ngày hôm sau, ông sửa sang nhà cửa cho người đồng đội cũ để quay trở về Bắc. Thế nhưng, ngay khi đã về nhà, ông vẫn không thôi lo lắng cho người đồng đội năm xưa. 

Một năm sau đó, bố Hương nói dối đi thăm bạn bè để vào Nam gặp y tá Phương. Tuy nhiên, khi tới nhà y tá Phương ông mới biết năm đó vì sinh khó nên bác sĩ chỉ cứu được con mà không thể cứu mẹ. Sau đó, ông cũng xin phép bà ngoại Hương để đón Hương về chăm sóc. Lo nghĩ cho tương lai cháu gái nên bà ngoại Hương đã đồng ý.

Hương được đưa ra Bắc với danh nghĩa là con của một người đồng đội cũ đã mất của bố Hương. Mẹ nuôi của Hương cũng không nghi ngờ gì mà vui vẻ nhận nuôi cô.

Cho tới khi bố Hương đổ bệnh, ông mới nói ra sự thật rằng cô là con đẻ chứ không phải con nuôi của ông. Nghe câu chuyện của bố Hương kể lại, cả gia đình ai cũng xúc động.

Mẹ nuôi của Hương khi biết sự thật không hề trách móc, bà nói: “Chuyện về một người con gái đáng quý như vậy, cảm động như vậy mà sao giờ ông mới kể cho mẹ con tôi nghe… Tôi không giận mà thấy thương ông”.

Vài ngày sau bố Hương qua đời. Sau khi lo xong ma chay của bố, Hương xin mẹ nuôi được xét nghiệm ADN cùng với hai em để xác định quan hệ huyết thống. Khi biết ý định của Hương, mẹ nuôi đã khuyên cô không cần thiết phải làm như vậy. Tuy nhiên, Hương vẫn muốn làm xét nghiệm vì cô muốn nhờ khoa học thay lời bố cô khẳng định với tất cả mọi người rằng cô là con đẻ của ông.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy Hương là chị em có cùng bố với các em của mình. Dù kết quả xét nghiệm chứng minh bố cô đã “phản bội” mẹ nuôi, nhưng ai trong gia đình cũng đều rất hạnh phúc.

Theo Ngọc Minh (Đời Sống & Pháp Luật)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *