Trong căn phòng ngủ tối tăm, cô gái 15 tuổi sợ hãi tỉnh dậy và thấy 2 người lạ mặt vạm vỡ đang đứng cạnh giường. Sau đó, cô bị đẩy vào một chiếc ô tô chờ sẵn, đưa đến một trại huấn luyện tàn bạo ở sa mạc Utah.
Nơi “phá vỡ những đứa trẻ để xây dựng lại chúng tốt hơn”
Trại Utah được điều hành bởi Quỹ Challenger do cựu Trung sĩ Hải quân Steve Cartisano thành lập vào những năm 1980, đã bị đóng cửa vào năm 1990 sau cái chết của cô gái 16 tuổi Kristen Chase. Nhưng Cartisano – người được mệnh danh là “cha đỡ đầu của liệu pháp trị liệu nơi hoang dã” – đã tiếp tục thực hiện 2 chương trình cực đoan hơn dành cho “thanh thiếu niên gặp rắc rối”, thu hút cả khách hàng từ các gia đình giàu nhất nước Mỹ.
Paris Hilton từng bị cha mẹ gửi đến một trường nội trú – trại trị liệu hoang dã riêng biệt, tiết lộ rằng cô đã bị tát, bóp cổ và lạm dụng tình dục ở đó. Trong bộ phim tài liệu Netflix “Hell Camp: Teen Nightmare”, các nạn nhân đã kể lại việc bản thân bị đánh đập, trói, bỏ đói và lạm dụng tình dục trong trại. Một nạn nhân kể lại việc bản thân đã bị trói chân và kéo lê qua sa mạc Utah đầy đá, gây ra hơn 80 vết thương trên da.
Cartisano từng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Những đứa trẻ này cần điều đó. Chúng tôi đang cứu rất nhiều mạng sống.”
Nhưng Nadine, một trong những nạn nhân của cách “đào tạo” thanh thiếu niên này nói rằng bản thân bị tổn thương và vô cùng sợ hãi ngay khi vừa đặt chân đến Trại Challenger.
Cô nói: “Ngay từ đầu, tôi đã hiểu đó là một tình huống không an toàn. Điều đau đớn nhất khi ở đó là lúc tôi nhận ra chính cha mẹ đã làm điều đó với mình. Họ đã chi hơn 16.000 USD (390 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và đó là một số tiền rất lớn vào năm 1989.”
Với Nadine, sự phản bội lớn nhất là khi biết việc bắt cóc và “lạm dụng” này do chính cha mẹ cô chi tiền và sắp xếp gửi cô đến đó. “Nếu cha mẹ của bạn không quan tâm đến bạn thì không ai làm vậy cả. Ai lại gửi con mình đến những nơi như thế?”, Nadine nói.
Sự gia tăng việc sử dụng chất gây nghiện trong những năm 1980 đã gây ra sự hoảng loạn về mặt đạo đức trên khắp nước Mỹ. Nhiều bậc phụ huynh tuyệt vọng đã chuyển sang “liệu pháp hoang dã” để rèn luyện kỷ luật cho con cái mình với triết lý “phá vỡ những đứa trẻ và xây dựng lại chúng”.
Lance Jaggar, người từng làm việc với Cartisano đã nói: “Chúng tôi không phá vỡ chúng để làm tổn thương chúng. Chúng tôi không phá vỡ chúng để trừng phạt chúng. Chúng tôi phá vỡ chúng để xây dựng lại, giúp chúng trở thành người tốt hơn, tích cực hơn.
Một số đứa trẻ sợ đến mức gần như ngất đi. Đối với tôi, điều đó không sao vì tôi muốn chúng biết thế nào là sợ. Rất nhiều đứa trẻ trong số này, nếu không ở đây thì sẽ phải vào tù.”
Nadine hoảng loạn khi đọc những dòng chữ cha mẹ gửi mình
Nadine thừa nhận cô là “kẻ nổi loạn của gia đình”, bắt đầu uống rượu và tiệc tùng khi còn là một thiếu niên. Cô nói: “Tôi thích hút thuốc lá và có một người bạn trai nổi tiếng là kẻ gây rối trong thị trấn nên bố mẹ tôi không thích tôi hẹn hò với anh ta. Mẹ tôi không thích tôi. Bà đã tìm cách đẩy tôi đi kể từ khi tôi 12 tuổi”.
Năm 15 tuổi, sau khi bỏ trốn khỏi nhà và bị cảnh sát đưa về, cô đã bị sốc. Cô gái nhanh chóng đi ngủ và nghĩ ngày hôm sau mình sẽ đi học như bình thường nhưng ngôi nhà tối om và cha mẹ cô không có ở đó. Cô bị đánh thức bởi 2 người đàn ông đứng gần giường. Họ nói nếu Nadine cố bỏ chạy, họ sẽ còng tay cô.
Nadine sau đó bị ép ra khỏi nhà và lên một chiếc máy bay riêng tới Utah rồi di chuyển tiếp đến giữa sa mạc.
“Họ đưa cho tôi một chiếc phong bì rỗng, đằng sau có ghi “Đây là điều tốt nhất, chúng ta yêu con.” Đó là lúc tôi biết cha mẹ đã trả tiền cho những người này để bắt cóc tôi và đưa tôi đến đây”, cô nói.
Nadine nói cô bị bắt phải ngủ trên nền đá, không có lều. Sáng hôm sau, cô gặp những người bạn cùng trại của mình trong tình trạng “gầy gò, quần áo rách rưới”.
Trong 63 ngày tiếp theo, cô phải đi bộ qua những vùng đất cằn cỗi không có nước. Mọi lời phàn nàn đều bị bác bỏ và thậm chí bị trừng phạt nhiều hơn. Cartisano gọi những đứa trẻ này là “những kẻ thao túng và dối trá bậc thầy”, khi có đứa trẻ nào nói mình bị ốm, các nhân viên sẽ gọi chúng là kẻ nói dối.
Nadine cho biết những đứa trẻ bị bắt phải mang đá nặng khi đi bộ đường dài, không được cấp giấy vệ sinh nên phải sử dụng quần áo và thậm chí phải buộc tóc bằng băng vệ sinh. Khi cha mẹ đến đón cô, họ thậm chí còn không muốn lại gần vì người cô bốc mùi.
Cái chết bi thảm
Matthew bị đưa vào trại năm 1990 khi 15 tuổi sau khi sử dụng ma túy và uống rượu. Mẹ Kari nói rằng con mình “có thể bị giam giữ ở tuổi vị thành niên hoặc chết” nếu bà không hành động.
Một buổi sáng, sau nhiều ngày đi bộ qua sa mạc, Matthew từ chối tiếp tục và bị phạt trói chân rồi kéo lê trên nền đất đá. Đi được một quãng, nhân viên sẽ hỏi cậu đã sẵn sàng đi bộ và tiếp tục kéo đi khi câu trả lời là “Chưa”.
Matthew bị đa chấn thương và được đưa đến một bệnh viện địa phương với hơn 80 vết sẹo và vết bầm tím khi bị kéo qua sa mạc. Vài tuần sau, Kristen Chase, 16 tuổi, đến từ Florida, cũng ngã gục sau khi bị buộc phải leo núi dưới cái nắng chói chang mà không có nước. Cô bắt đầu bị ảo giác trước khi bất tỉnh và phải mất 2 giờ đồng hồ mới có sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp đến. Lúc đó, cô đã tử vong.
Cartisano tuy trắng án tội vô ý làm chết người nhưng vụ việc này cũng làm nảy sinh một loạt vụ án dân sự vì cáo buộc lạm dụng trẻ em và công ty đã phải đóng cửa.
Cuộc sống xa hoa của ông chủ
Ông bố 4 con Cartisano sở hữu một căn biệt thự ở Utah cùng với vợ Debbie và rất thích tiêu tiền khi lái chiếc Lamborghini. Sau khi bị phá sản, ông thành lập một chương trình mới có tên Healthcare America, đưa những đứa trẻ từ các gia đình giàu có đến Quần đảo Virgin để “trị liệu”. Khi chính quyền địa phương phát hiện ra họ không có giấy phép hoạt động, họ đã bỏ trốn cùng bọn trẻ, đi thuyền đến Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Jamaica và Colombia.
Ashley, người đã tham gia chương trình này 9 tháng khi mới 15 tuổi, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ biết mình sẽ đi đâu hoặc kế hoạch là gì. Tôi lo sợ về những gì sắp xảy ra. Thật khó để giải thích. Chúng tôi không bao giờ biết mình có thể về nhà lúc nào, luôn cảm thấy mình sẽ không bao giờ đủ tốt để có thể về nhà.”
Một lần nữa, Cartisano lại bị đóng cửa nhưng sau đó trở lại với một trại cực đoan hơn ở Samoa với cái tên Steve Michaels. Một đoạn video do phụ huynh của một trong số các thiếu niên lén lút ghi lại cho thấy những đứa trẻ “hốc hác, bẩn thỉu, đầy vết côn trùng cắn” và sống trong điều kiện giống như “trại tập trung”.
Steve Cartisano qua đời vào tháng 5 năm 2019 ở tuổi 63. Tuy nhiên, ngành “trị liệu” này vẫn tiếp tục tồn tại với hàng nghìn trẻ em tham dự mỗi năm.
Nadine nói: “Hầu hết những người tôi nói chuyện đều đã trải qua những trải nghiệm này với những tổn thương hằn sâu. Tôi đã nói về điều đó suốt 20 năm nhưng nó chẳng có tác dụng gì. Ngành công nghiệp này thực sự đã phát triển.”
Theo Trương Thi (Kienthuc.net.vn)