Uống 5-6 lon bia sẽ cần 12 đến 24 tiếng để nồng độ cồn về 0. Tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng.
Kỳ nghỉ lễ này, gia đình tôi về quê ở Thanh Hóa. Trong hầu hết các kỳ nghỉ, anh em, bạn bè thường gặp gỡ và uống 5-6 chai bia. Vậy nếu uống tối nay, ngày mai tôi lái xe về Hà Nội có vi phạm nồng độ cồn không? (Lê Văn Hải – Hoàng Mai, Hà Nội)
Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ sinh học Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn:
Khi bạn uống một lượng bia hay rượu nhất định, tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng…
Trung bình cơ thể sẽ mất khoảng 12-24 tiếng để hoàn toàn chuyển hóa và đào thải cồn khỏi cơ thể nếu bạn uống nhiều rượu bia. Vì vậy, có thể xảy ra tình trạng sau một đêm nhậu “quá chén”, khi ngủ dậy và đã tỉnh rượu, bạn vẫn phát hiện ra cồn trong hơi thở.
Thông thường, 1 đơn vị cồn 10g ethanol nguyên chất tương đương với 200ml bia, 1 ly rượu vang 75ml, 1 chén rượu mạnh 25ml. Sau khi uống một lon bia (330ml) khoảng 15 phút, kết quả kiểm tra có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở. Một lon bia có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC) lên 0,02%.
Với quy định mới, chỉ cần có cồn trong hơi thở, bạn đã bị phạt khi tham gia giao thông. Nếu bạn uống 2 lon bia, cơ thể cần 3-6 tiếng để đào thải hoàn toàn nồng độ cồn.
Trường hợp uống 5-6 lon bia (tương đương 8-9 đơn vị cồn) vào tối hôm trước, sẽ cần 12 đến 24 tiếng để đảm bảo không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Nếu cần lái xe trong vòng 24 giờ tới, bạn không nên uống bia, rượu để đảm bảo an toàn giao thông, không vi phạm quy định nồng độ cồn.
Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả.
Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên có thể thấy pháp luật hiện nay cấm tuyệt đối người đã uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) không được lái xe tham gia giao thông.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)