Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở sau khi ăn bánh bông lan

Sau khi ăn sáng bằng bánh bông lan mẹ mua trên đường đến nhà cô giáo, bé trai bất ngờ tím tái và tử vong thương tâm, nghi do nghẹt đường thở.

Chiều 29/12, Dân Trí dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong thương tâm.

Bệnh nhi là bé K.D.M. (7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Theo báo cáo nhanh, trước đó vào khoảng 10h ngày 28/12, bé trai được mẹ chở đến gửi tại nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 2.

Trên đường đến nhà cô, mẹ có mua bánh bông lan cho M. ăn sáng khi ngồi trên xe. Khi đến nhà cô, bé không ăn gì nhưng khoảng 3 phút sau, bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ. Phát hiện sự việc, cô giáo đã sơ cứu và đưa bé đến cấp cứu tại một phòng khám trên địa bàn, sau đó chuyển tiếp bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở sau khi ăn bánh bông lan
Dị vật đường thở được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai gắp ra. Ảnh: BVCC.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết em M. cấp cứu vì hóc dị vật, tím, ngưng tim 30 phút. Thời điểm nhập viện, trẻ mê, môi tím, hạ thân nhiệt, chi mát, mạch và tim bằng 0, đồng tử giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm. Ê-kíp tiến hành đặt nội khí quản và gắp ra một khối dị vật đường thở, có hình thù giống như miếng thịt hoặc bánh vón cục.

Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn qua điện thoại với Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, làm thủ tục cho M. chuyển viện theo nguyện vọng của gia đình. Mặc dù được các bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tử vong vào chiều cùng ngày.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong sau khi hóc dị vật. Vào năm 2017, một bé trai 5 tuổi tại TPHCM đã không qua khỏi sau khi bị một miếng thạch rau câu lọt vào đường thở, gây suy hô hấp cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên tập cho con em mình thói quen ăn uống, nhai nuốt an toàn. Trong lúc đang ăn tuyệt đối không nô đùa. Nếu trẻ chẳng may hóc dị vật, tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra vì chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.

Khi trẻ có biểu hiện khó thở phải nhanh chóng sơ cứu hà hơi, thổi ngạt, nhồi tim, sau đó đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật

Trẻ nhỏ: thực hiện thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực

Trẻ sơ sinh và nhũ nhi không sử dụng thủ thuật Heimlich mà sử dụng thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực để tránh nguy cơ chấn thương tạng.

Đặt trẻ nằm sấp, dọc theo cánh tay cấp cứu viên, đầu thấp, người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ và nhanh 5 cái lên lưng trẻ tại vùng giữa hai xương bả vai. Người sơ cứu làm theo hình dưới.

Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở sau khi ăn bánh bông lan - 1

Nếu dị vật không bật ra, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp. Ấn ngực 5 lần tại vị trí ép tim với tần suất 1 lần/giây. Người sơ cứu làm theo hình dưới.

Làm sạch đường thở giữa các lần vỗ lưng ấn ngực, quan sát khoang miệng, dùng tay lấy dị vật nếu nhìn thấy, không dùng ngón tay đưa sâu để lấy dị vật. Sau mỗi động tác làm sạch đường thở, xác định dị vật đã được tống ra ngoài chưa và đường thở đã được giải phóng chưa. Nếu chưa được, lặp lại trình tự các động tác thích hợp tới khi thành công.

Trẻ lớn: thực hiện thủ thuật Heimlich

Trường hợp trẻ còn tỉnh

Bước 1: Cấp cứu viên đứng sau lưng trẻ.

Bước 2: Vòng 2 tay ra trước, quàng lấy bụng người bệnh. Đặt 1 nắm tay vùng thượng vị ngay đầu dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên.

Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở sau khi ăn bánh bông lan - 2

Bước 3: Giật tay lên thật mạnh và đột ngột ấn mạnh nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên. Động tác này phải thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Trường hợp trẻ hôn mê

Đặt trẻ nằm ngửa trên nền đất hoặc ván cứng. Cấp cứu viên quỳ gối, hai đầu gối đặt mé ngoài gối của nạn nhân.

Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt gót bàn tay lên vùng dưới xương ức trẻ . Đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau.

Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở sau khi ăn bánh bông lan - 3

Lưu ý khi dị vật ra khỏi họng và nằm tại miệng trẻ, cần lấy vật này ra một cách thận trọng, tránh để dị vật tụt vào họng trở lại. Sau đó kiểm tra phổi, bụng, mở miệng dùng đè lưỡi, gắp dị vật nếu nhìn thấy, không dùng tay móc dị vật nếu không thấy.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *