Nhà giáo dục người Nhật Yukichi Fukuzawa từng nói: “Gia đình là trường dạy thói quen; cha mẹ là thầy dạy thói quen”. Mọi thói quen ở trẻ dù tốt hay xấu đều có bóng dáng của cha mẹ.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, có những thói quen xấu của cha mẹ tưởng là rất nhỏ nhưng lại khiến con cái trở nên khó bảo, ngỗ ngược, không có quy tắc, gây ảnh hưởng đến tương lai của con.
1. Không bao giờ rời khỏi điện thoại
“Đang có một xu hướng đáng báo động rằng cha mẹ bỏ quên con cái họ ở mọi lứa tuổi, chú ý tới điện thoại và máy tính bảng hơn là những thứ xung quanh. Hệ quả là, trẻ có thể cảm thấy chúng không được quan tâm chú ý như mong muốn…
Trẻ cần cha mẹ đáp lại khi chúng tức giận, buồn bã, thất vọng hay phấn khởi, giờ đây chúng sẽ thấy mình phải cạnh tranh với chiếc điện thoại để có được điều đó. Xu hướng này có thể dẫn tới các vấn đề tâm lý”, Juggi Ramakrishnan, một giám đốc về thương mại và số hóa phân tích.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania cũng cho biết: Cha mẹ thích chơi điện thoại di động cũng sẽ khuyến khích con bắt chước hành vi của họ. Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con họ nghiện các thiết bị điện tử nhưng thực tế vấn đề thường nằm ở chính họ. Vì vậy, khi con không làm việc và nghiện game, điều đầu tiên bạn phải làm là nhìn lại bản thân mình.
2. Sử dụng ngôn ngữ không văn minh, mắng nhiếc con cái
Ngôn ngữ của cha mẹ có ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Một số bậc cha mẹ không chú ý đến ngôn ngữ, văn minh trong gia đình, thường xuyên nói những lời lẽ không hay, thô tục giữa vợ và chồng, rồi mắng mỏ con cái không dứt. Những ngôn ngữ thô tục này đầu độc trái tim trong sáng của trẻ em như một loại virus.
Như trong The Little Prince: Lời nói là gốc rễ của mọi hiểu lầm. Vũ khí lợi hại nhất trên thế giới này cũng chính là ngôn ngữ, một câu nói có thể khiến tâm trạng người ta trầm xuống, một câu nói cũng có thể khôi phục sức mạnh của một người. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của ngôn ngữ, nhất là khi nói chuyện với trẻ con.
Sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cách diễn đạt và giọng điệu quan trọng hơn nội dung, nếu giọng điệu của cha mẹ không tốt, dù có ý nghĩa thì con trẻ cũng sẽ khó nghe.
3. Bỏ qua các quy tắc
Đứng sau một đứa trẻ ngang ngược, cư xử kém chính là những bậc cha mẹ không biết giữ quy tắc.
Trước đây, cảnh sát Quảng Tây (Trung Quốc) từng xử lý một vụ vi phạm luật lệ giao thông khá nguy hiểm. Một cậu bé chỉ mới 4 tuổi đã được bố cho ngồi cùng vào ghế tài xế để lái xe. Cậu bé tay cầm vô lăng vừa điều khiển vừa hát véo von. Hàng ghế phía sau là cậu em trai nhỏ mới 2 tuổi cùng với mẹ. Cả gia đình hào hứng vui vẻ, người mẹ còn quay cả video ghi lại toàn bộ quá trình một cách rất tự hào.
Khi phát hiện ra vi phạm, cảnh sát giao thông lập tức ra hiệu cho xe dừng lại. Lúc này người bố vẫn rất vô tư cười đùa. Dường như hai vị phụ huynh không hề nhận ra rằng họ đã đặt tính mạng của cả gia đình vào vòng nguy hiểm ra sao, thậm chí còn có thể gây tai nạn chết người liên lụy cho nhiều người khác.
Chúng ta phải biết rằng bố mẹ là tấm gương của con cái. Những lời nói và việc làm của họ sẽ được con cái nhìn thấy. Nếu bố mẹ biết tuân theo các quy tắc, trẻ em sẽ tự nhiên học cách tuân thủ và không tùy ý phá vỡ các quy tắc.
Con cái rồi cũng sẽ lớn lên và bố mẹ chúng ta không thể ở bên con cả đời. Thay vì cứ phải chạy theo con lo lắng nơm nớp, tốt hơn hết hãy dạy con biết tuân thủ các quy tắc, tôn trọng giới luật ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được rằng con cái lớn lên có kỷ luật, phép tắc và biết phân biệt đâu là việc nên hoặc không nên làm.
4. Dè bỉu người khác và chính mình
Thói quen này với ai cũng rất khó sửa. Chúng ta dễ dàng chỉ trích một người mẹ quát mắng con cái ầm ĩ ở quầy thanh toán siêu thị hay bĩu môi trước một ông bố cho con thức khuya quá 11h mà quên mất rằng con mình đang chứng kiến hành động đó. Nhiều lần như thế, trẻ con cũng sẽ nhanh chóng học theo hành động này, cho rằng mình luôn đúng và được quyền phán xét người khác. Vì vậy thay vì tập trung năng lượng vào việc mắng mỏ cái sai của người khác, hãy chỉ cho con mình thấy những điều đáng học hỏi ngay xung quanh trẻ.
Không chỉ chỉ trích người khác, nhiều bố mẹ còn có thói quen tự khiển trách bản thân mình bằng những ngôn từ không lấy gì làm dễ nghe. “Trời ơi, mình ngu quá!” là một thí dụ. Ai cũng có những lúc sai lầm nhưng hãy cân nhắc khi bạn tự mắng mỏ, trách móc mình quá tiêu cực, nhất là khi bọn trẻ đang ở gần đó và có thể nghe được.
Trẻ con luôn tin rằng bố mẹ chúng là những người tuyệt vời nhất và tìm kiếm sự an toàn, thoải mái từ bố mẹ. Vì vậy, chúng sẽ cảm thấy ra sao nếu biết bố hoặc mẹ chúng cảm thấy tự ti về mình dù chỉ là trong một tích tắc? Và nếu như chúng phải nghe những lời tự ti đó một cách thường xuyên, đừng bất ngờ nếu bạn thấy chúng cũng bắt đầu nói những lời tương tự về bản thân. Vì vậy các ông bố bà mẹ hãy trân trọng bản thân mình và bỏ thói quen này ngay nhé!
5. Luộm thuộm
Kết quả nghiên cứu từ Viện Đại học California, Los Angeles sau hơn bốn năm tìm hiểu trên 32 gia đình trung lưu của Mỹ cho thấy, mọi thành viên trong gia đình dễ stress hơn khi nhà hỗn độn, đồ đạc chất chồng.
Riêng trẻ em do quá bận rộn loay hoay với đống đồ chơi ngổn ngang trong nhà nên sẽ lười ra ngoài vui chơi. Trẻ dễ rơi vào tâm lý uể oải, chán nản, lười khám phá những thứ mới mẻ, dần dẫn đến thụ động.
Cha mẹ bừa bộn, luộm thuộm không thể nuôi dạy con cái sạch sẽ, ngăn nắp và có gu thẩm mỹ tốt. Trang phục của cha mẹ ảnh hưởng tới gu thẩm mỹ và thái độ sống của trẻ.
6. Thích so sánh
Tiêu chuẩn khủng khiếp nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ chính là “con nhà người ta” – một nhân vật thậm chí chẳng có tên có tuổi nhưng luôn có thành tích cao vượt trội cùng với những phẩm chất mà chẳng đứa trẻ nào khác có thể với tới được.
Nhiều bậc phụ huynh luôn có suy nghĩ như vậy, họ thích so sánh con mình với con người khác, luôn mắng mỏ hay trách móc con cái vì không đạt được những thứ như bố mẹ mong đợi. Họ cho rằng đây chính là cách tốt nhất để động viên con, giúp con có động lực phấn đấu hơn để đạt được thành tích tốt.
Thế nhưng những đứa trẻ luôn bị bố mẹ xem nhẹ không bằng “con nhà người ta” lại phải gánh những tổn thương tâm lý nặng nề. Chúng có thể dần dà tự xem nhẹ chính mình, mất niềm tin vào khả năng của bản thân, chẳng còn muốn cố gắng hơn nữa vì những tiêu chuẩn và kỳ vọng quá xa vời.
Biết khen ngợi trẻ đúng lúc, công nhận nỗ lực và sự tiến bộ của con cũng như dạy con biết cách yêu thương và chấp nhận chính mình mới là cách giáo dục con tốt nhất.
7. Kiểm soát quá đà mọi chuyện
Chắc hẳn không một ông bố bà mẹ nào không đau lòng khi thấy con vấp ngã, tổn thương hay thất vọng. Thế nhưng đó chính là cuộc sống. Chỉ có trải qua những thử thách thì trẻ mới tích lũy được kinh nghiệm và có cơ hội trưởng thành.
Bạn cũng có cuộc sống riêng, có những vấn đề khác cần phải giải quyết chứ không thể kiểm soát từng hành động nhỏ của trẻ. Hơn thế nữa, việc kiểm soát quá đà cũng khiến cho trẻ có xu hướng nổi loạn nhiều hơn, đặc biệt là khi trẻ ở các giai đoạn khủng hoảng lên 3 hay khủng hoảng tuổi dậy thì.
Vì vậy hãy để cho trẻ có không gian để phạm sai lầm, hãy cho chúng cơ hội rút ra bài học từ chính trải nghiệm sống. Đó chính là cách tốt nhất để nuôi dạy trẻ.
8. Không có ý thức về thời gian
Nếu chúng ta lập một danh sách xếp hạng và bình chọn những thói quen xấu của trẻ khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhất, có lẽ “tốn quá nhiều thời gian” sẽ nằm trong top 3.
Biết bao phụ huynh đang đau đầu trước việc con cái mình trì hoãn làm bài tập về nhà và đi học muộn. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại bỏ qua một điều, đó là họ thường trì hoãn mọi việc trong cuộc sống và không có ý thức về thời gian.
Cha đã hứa sẽ cùng con đi chơi lúc 3 giờ nhưng luôn trì hoãn đến 4 giờ; mẹ đã hứa sẽ giúp các con làm đồ thủ công nhưng vẫn trì hoãn. Trẻ sẽ nhận thấy hành vi không đúng giờ của cha mẹ.
Để hình thành cho trẻ ý thức về thời gian và nuôi dưỡng một đứa trẻ siêng năng, tự giác, trước tiên cha mẹ phải đúng giờ.
9. Thích nói dối
Nếu bạn không muốn tham dự một bữa tiệc, bạn sẽ gọi điện và từ chối trước mặt con cái, nói rằng bạn đang làm việc ngoài giờ. Rõ ràng là cha mẹ đang chơi game nhưng lại nói với con mình rằng: “Mẹ/bố bận làm việc nên không thể chơi với con được!”.
Cha mẹ nói với trẻ: “Nếu con làm xong bài tập về nhà nhanh chóng, mẹ sẽ cho con ra ngoài chơi” nhưng khi trẻ làm xong, họ lại từ chối thực hiện lời hứa. Theo thời gian, trẻ sẽ cảm thấy việc nói dối không có gì sai và sẽ nói dối theo. Đồng thời, trẻ có thể thất vọng với hành động của người lớn và dần mất niềm tin.
Bậc thầy trị liệu gia đình người Mỹ Satya nói: “Tính cách, quan điểm sống, tính cách tinh thần, lối suy nghĩ, thói quen sinh hoạt của một người đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gia đình, cha mẹ. Những vấn đề của trẻ thường phản ánh những vấn đề của cha mẹ chúng”.
Giáo dục tốt không bao giờ có nghĩa là buộc trẻ trở thành trẻ ngoan, mà là làm gương tốt cho trẻ bằng hành động hàng ngày.
Theo Lyly (Giadinh.suckhoedoisong.vn)